TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Khai mạc tọa đàm quốc tế: “An ninh môi trường ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội.”

Sáng 25/10, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Viện Chính sách và Quản lý thuộc Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Viện Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á đã tổ chức thành công tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề: “An ninh môi trường ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội”. Đây là tọa đàm thứ ba nằm trong khuôn khổ dự án về chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội triển khai từ năm 2017 đến nay.


Toàn cảnh buổi tọa đàm

An ninh môi trường là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay, nhất là trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia và nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường – hệ lụy của quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, việc điều chỉnh và tìm kiếm các giải pháp khắc phục là điều vô cùng cần thiết. Tọa đàm về “An ninh môi trường ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, sinh thái và xã hội” là một hoạt động liên kết có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và mở rộng mạng lưới nghiên cứu, trao đổi tri thức trong và ngoài nước về vấn đề an ninh môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.


PGS.TS Phạm Xuân Dương- Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh: “Việc tổ chức tọa đàm lần này hết sức có ý nghĩa, góp phần cung cấp các luận cứ hỗ trợ quá trình hoạch định và thực thi chính sách về phát triển bền vững, tạo sự cân bằng giữa giá trị kinh tế - sinh thái và xã hội trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới”. Đây cũng chính là tiền đề để Nhà trường tiếp tục tổ chức Hội nghị lần thứ 18 Diễn đàn các Trường Đại học Hàng hải và Đánh cá Châu Á (AMFUF 2019) với sự quy tụ của 27 trường Đại học/Viện nghiên cứu lớn của các quốc gia Châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Liên Bang Nga, Ấn Độ, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippine, Đài Loan, Myanmar, Thái Lan…được tổ chức từ 18-20 tháng 11 năm 2019.

Trong phiên thảo luận cuối của tọa đàm, báo cáo về vấn đề an ninh hàng hải của Thuyền trưởng, TS. Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng khoa Hàng hải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã nêu bật những vấn đề đặt ra trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Tọa đàm có 11 báo cáo cùng hơn 20 ý kiến trao đổi, bình luận về các vấn đề an ninh môi trường, giải pháp và chính sách về an ninh môi trường đồng thời bày tỏ quan ngại về sự đánh đổi giữa kinh tế với các giá trị sinh thái, xã hội và nhấn mạnh việc dự báo những hệ lụy của vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh môi trường tại các quốc gia hiện nay trong đó có Việt Nam đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm về việc khai thác, quản lý nguồn nước tại khu vực sông Mê Kông và vấn đề giảm phụ thuộc kinh tế từ các hoạt động khai khoáng tại Indonesia.

Ông Philip Degenhardt - Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg khu vực ĐNA/Regional Director of Rosa Luxemburg Stiftung SEA.