TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tập trung phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra

Chiều ngày 05/02/2020, PGS.TS Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng Nhà trường dẫn đầu đoàn công tác gồm đại diện của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Phòng Tổ chức-Hành chính, Đào tạo, Công tác sinh viên, Quản trị-Thiết bị, Trạm Y tế trực tiếp kiểm tra các khu vực trong toàn Trường về công tác phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona gây ra.

Trường đóng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, với quy mô đào tạo trên 15.000 sinh viên và học viên, với khuôn viên có diện tích rộng, nhiều phòng học, nhà làm việc. Vì vậy, công tác đảm bảo vệ sinh được Nhà trường đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona gây ra.

Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona mới gây ra, trong ngày 31/01/2020, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã ban hành công văn số 91/TB-ĐHHHVN về việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp vi rút Corona và công văn số 93/TB-ĐHHHVN-ĐT về việc dời lịch học của sinh viên để ứng phó với dịch bệnh đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (sinh viên quay trở lại học tập từ 10/02/2020).

Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Trường cùng phối hợp để phun thuốc khử trùng toàn Trường, bao gồm các phòng học, phòng mô phỏng, nhà vệ sinh, nơi phát hành sách cho sinh viên, các khu ký túc xá, căng tin, nhà ăn sinh viên, khu luyện tập thể thao, phòng làm việc của cán bộ, giảng viên,…nhằm khử trùng, đảm bảo vệ sinh nơi học tập, làm việc.

Các bảng chỉ dẫn theo khuyến cáo của Bộ Y tế được niêm yết tại những vị trí dễ quan sát nhằm nâng cao nhận thức, đưa ra các khuyến cáo, chỉ dẫn cho cán bộ, giảng viên, sinh viên. Kèm theo đó là số điện thoại đường dây nóng để mọi người gọi hỏi tư vấn khi cần.

Tại buổi kiểm tra, thầy Hiệu trưởng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động tích cực thực hiện các biện pháp dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử trùng, trang bị các thiết yếu để phòng, chống dịch nCoV tại các giảng đường, ký túc xá, nhà làm việc, khu thể thao…

Một số thông tin về chủng vi rút mới nCoV:

Vi rút corona (CoV) là một họ vi rút lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012. Tuy nhiên, từ tháng 12 năm 2019, một chủng vi rút corona mới (nCoV) gây viêm phổi tại tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc) đã được xác định và có nguy cơ lan rộng.

1. Corona vi rút có kích thước khá lớn (đường kính tế bào khoảng 400 – 500nm), do đó bất kì khẩu trang thông thường nào (không chỉ N95) đều có thể lọc được. Tuy nhiên, khi người bị nhiễm bệnh hắt hơi ra môi trường, giọt nước bọt chứa vi rút có thể bắn xa 3m (khoảng 10 feet) và lơ lửng trong không khí trước khi rơi xuống mặt đất.

2. Khi rơi xuống bề mặt kim loại, vi rút sẽ sống ít nhất khoảng 12 giờ. Vì vậy, hãy luôn nhớ, nếu bạn tiếp xúc với bất kỳ bề mặt kim loại nào, hãy rửa tay bằng xà phòng thật kỹ.

3. Vi rút có thể vẫn hoạt động trên vải trong 6-12 giờ. Bột giặt thông thường cũng có thể diệt được vi rút. Đối với quần áo mùa đông không cần/không giặt được hàng ngày, bạn có thể phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời để diệt vi rút.

Các triệu chứng viêm phổi do corona vi rút gây ra:

1. Đầu tiên vi rút sẽ gây viêm đường hô hấp trên, điển hình là viêm họng, vì vậy cổ họng sẽ có cảm giác đau, khô rát kéo dài từ 3 đến 4 ngày.

2. Sau đó, vi rút sẽ hòa lẫn vào dịch mũi và nhỏ giọt vào khí quản, xâm nhập vào phổi, gây viêm phổi. Quá trình này sẽ mất 5 đến 6 ngày.

3. Khi bị viêm phổi, các triệu chứng điển hình xuất hiện là sốt cao kèm khó thở. Lúc này, cảm giác nghẹt mũi của bạn sẽ không giống cảm cúm hay các triệu chứng viêm mũi dị ứng thông thường, bạn sẽ có cảm giác như bị nghẹt, bị chìm trong nước. Nếu xuất hiện những triệu chứng trên, hãy ngay lập tức đi khám tại các cơ sở y tế.

Những biện pháp phòng ngừa:

1. Hình thức lây nhiễm vi rút corona phổ biến nhất là do chạm, tiếp xúc những thứ ở nơi công cộng, vì vậy hãy rửa tay thường xuyên. Vi rút chỉ có thể sống trên tay bạn trong 5-10 phút, nhưng trong 5-10 phút đó có rất nhiều hoạt động có thể xảy ra (bạn có thể vô tình dụi mắt hay ngoáy mũi,…), những hoạt động này làm vi rút có thể xâm nhập vào cơ thể.

2. Ngoài việc rửa tay thường xuyên, hãy súc miệng, súc họng bằng nước súc miệng có tính sát khuẩn để loại bỏ hoặc giảm thiểu vi rút khi chúng vẫn còn trong cổ họng (trước khi xâm nhập xuống phổi).

3. Uống thật nhiều nước, tự chăm sóc giữ gìn vệ sinh, sức khỏe bản thân!

Khuyến cáo chung

1, Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

2, Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm vào mắt, mũi miệng.

3, Khi ho, hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau sử dụng khăn giấy, hãy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay.

4, Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch, thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

5, Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.

6, Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

7, Đeo khẩu trang khi đi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

Khuyến cáo với những người từ Trung Quốc trở về:

1, Cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.

2, Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

3, Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.